Hội nghị triển khai Dự án SODI – A Lưới: Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sinh kế bền vững và chuyển đổi hệ sinh thái tại A Lưới, Huế

Vào ngày 27 tháng 03 năm 2025, Hội nghị triển khai Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ người dân tộc thiểu số thông qua việc chuyển đổi hệ sinh thái và các hoạt động sinh kế bền vững tại huyện A Lưới” (gọi tắt là Dự án SODI – A Lưới) đã diễn ra thành công, với sự tham gia và phối hợp của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Huế (VUFO Huế), UBND huyện A Lưới, Công ty TNHH Nghiên cứu Chuyển giao Công nghệ Môi trường và Nông nghiệp REDTEA, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Đồng kiến tạo Tri thức (CKC) cùng các đối tác liên quan.

Mục tiêu của hội nghị là chia sẻ tầm nhìn chung, xây dựng các khung hành động hợp tác và khởi động hành trình 5 năm nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới.

Dự án SODI – A Lưới, tài trợ bởi Tổ chức SODI (Solidaritätsdienst-international e.V.) và Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ), sẽ triển khai từ năm 2025 đến 2029. Dự án bao gồm bốn hợp phần chính: nâng cao nhận thức, xây dựng mô hình sinh kế bền vững, bảo tồn tri thức bản địa, và phát triển hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời. Các chương trình của dự án được thiết kế và thực hiện trên nguyên tắc truyền động lực cho sự thay đổi tích cực và bền vững, đồng thời phát huy giá trị văn hoá và vẻ đẹp của phụ nữ, người dân và vùng đất A Lưới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Tiến Đạt, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Huế và Giám đốc Dự án, nhấn mạnh: “Dự án SODI – A Lưới được phát triển sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi cùng cộng đồng địa phương về điều kiện, năng lực và nhu cầu phát triển thực tế. Cách thức tiếp cận trực tiếp từ cộng đồng sẽ tạo nền tảng vững chắc đảm bảo cho tính phù hợp, sự thành công và tính bền vững của các kết quả mà dự án hướng đến.”

Các chuỗi hoạt động của dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 1.000 người dân tại ba xã Quảng Nhâm, Hồng Kim và Hồng Thái, đồng thời gián tiếp tác động tích cực cho hơn 8.500 người dân trong vùng thông qua việc cải thiện điều kiện sống, phát triển cơ sở hạ tầng và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của địa phương.

Đại diện UBND huyện và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới đã nhấn mạnh tính phù hợp của các hoạt động dự án và khẳng định sự quyết tâm của chính quyền huyện, các xã hưởng lợi và đối tác địa phương trong việc triển khai dự án đem lại các kết quả tích cực và bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại A Lưới.

BQLDA SODI-A Lưới

Để lại một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *