Bài viết của Đại sứ Đức tại Việt Nam nhân kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam – Đức

Đại sứ Đức tại Việt Nam, Tiến sĩ Guido Hildner, viết cho Vietnam News nhân Ngày Thống nhất nước Đức và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Đức và Việt Nam:

Vào ngày 03/10, người Đức kỷ niệm Ngày thống nhất nước Đức. Đây là ngày họ tưởng nhớ ngày thống nhất nước Đức vào ngày 03/10/1990. Đây là một ngày của niềm vui – ngay cả khi năm nay nó bị đại dịch COVID-19 làm lu mờ. Đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống ở Đức trong hơn một năm rưỡi qua. Nó vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, nhờ những tiến triển tích cực trong công tác tiêm chủng, cuộc sống hàng ngày ở nhiều vùng đã dần được bình thường hóa, mang lại nhiều hy vọng.

Đại dịch là một thách thức lớn đối với toàn xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm bây giờ là xây dựng tương lai. Điều này không chỉ tác động tới nền kinh tế, mà còn nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, biến đổi khí hậu là một vấn đề đang làm lay động người dân ở Đức. Do đó, có sự đồng thuận rằng việc phục hồi kinh tế sau đại dịch cần phải diễn ra một cách mẫu mực về mặt sinh thái. Nguồn cung năng lượng đóng một vai trò quan trọng. Mục tiêu là dựa vào các nguồn tái tạo. Năng lượng tái tạo với năng lượng gió và nước, quang điện và sinh khối đã chiếm 46% trong cơ cấu điện năng. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Đức sẽ loại bỏ dần năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022 và năng lượng than chậm nhất vào năm 2038. Đức muốn trở thành quốc gia trung hòa về khí hậu vào năm 2045.

Cũng giống như đại dịch, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức toàn cầu lớn mà một quốc gia không thể một mình kiểm soát mà chỉ bằng cách hợp tác cùng cộng đồng quốc tế. Vì điều đó, bạn cần những đối tác tốt và đáng tin cậy. Đức rất vui khi có một đối tác như vậy tại Việt Nam. Những ngày này, cả hai nước đang kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Mối quan hệ hợp tác này đã phát triển liên tục trong những năm qua và đã thể hiện được sự hiệu quả trong suốt thời gian đại dịch. Cả hai quốc gia đã làm việc cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Vào đầu đại dịch, Việt Nam đã hỗ trợ nước Đức qua việc tặng khẩu trang các loại. Nước Đức đã đáp lại sự ưu ái đó bằng hỗ trợ vật tư y tế và vắc-xin, chỉ trong hai tuần qua với 3,45 triệu liều AstraZeneca, trong đó 850.000 liều thông qua cơ chế COVAX và 2,6 triệu liều qua đường trực tiếp.

Một trang trại gió ngoài khơi nằm ở Biển Bắc của Đức. – Ảnh của Đại Sứ quán Đức

Ngoài ra còn có những cơ hội hợp tác tốt giữa Đức và Việt Nam khi đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như trong việc mở rộng năng lượng tái tạo ở Việt Nam hoặc tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Trong chiến lược chính sách phát triển mới của Đức, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia đối tác toàn cầu. Vào cuối tháng 7, các cuộc đàm phán chính phủ song phương về hợp tác phát triển đã diễn ra, tiếp nối cam kết trước đó của Đức, đã đi đến sự thống nhất vấn đề khí hậu và năng lượng – một trong những trọng tâm của việc hợp tác trong tương lai. Một số chủ đề hợp tác khác đó là môi trường và đào tạo nghề. Vì mục đích này, Đức sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản vốn bổ sung hơn 140 triệu euro trong hai năm tới. Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) và Ngân hàng KfW đang chỉ đạo các cơ quan đại diện tại Việt Nam nhằm thực hiện các dự án liên quan.

Các lĩnh vực hợp tác quan trọng khác là giáo dục và khoa học. Hàng nghìn người Việt Nam đang học tập tại Đức. Các trường đại học Đức và Việt Nam hợp tác trong hơn 160 dự án, trong đó, Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) đóng một vai trò quan trọng. Vào tháng 5, tổ chức này đã thành lập tại Việt Nam một trong bốn trung tâm toàn cầu mới về sức khỏe và phòng chống đại dịch nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và hỗ trợ điều trị các loại bệnh này. Một điểm nổi bật đó là dự án trường Đại học Việt Đức ở tỉnh Bình Dương. Vào tháng 4/2021, thỏa thuận cấp chính phủ hai bên có hiệu lực, tạo cơ sở vững chắc và bền vững cho dự án này. Suy cho cùng, quảng bá tiếng Đức là một trọng tâm trong công tác giáo dục của Đức tại Việt Nam, được hỗ trợ bởi nhiều tổ chức như Viện Goethe và Cơ quan Trung ương của Đức về các trường học ở nước ngoài.

Cộng đồng doanh nghiệp Đức cũng luôn sát cánh cùng Việt Nam trong thời điểm khó khăn của đại dịch. Sự hiện diện của cộng đồng này đã được duy trì bấp chấp nhiều trở ngại. Các công ty có sự phản ứng và điều chỉnh linh hoạt với tình hình mới và làm việc với cam kết cao. Điều này cũng được thể hiện qua hoạt động của văn phòng của Phái đoàn Doanh nghiệp Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại Hà Nội cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA). Thương mại đã có thể phát triển trong thời kỳ đại dịch. Thương mại song phương năm 2020 tăng 3,6% lên 15,7 tỷ USD. Điều này là do xuất khẩu của Việt Nam sang Đức tăng lên 11,4 tỷ USD (+7,9%). Chắc chắn, việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực vào ngày 01/8/2020 đã đưa tới tác động tích cực.

Các vấn đề về nguyên tắc pháp quyền và nguyên tắc giá trị cũng là chủ đề của việc trao đổi song phương. Trong nhiều năm, chính phủ hai bên đã tiến hành một cuộc đối thoại pháp quyền chuyên sâu nhằm giải quyết các vấn đề khác nhau, bao gồm cả quyền con người. Năm trong số sáu quỹ chính trị của Đức hiện đã có đại diện riêng tại Việt Nam: Friedrich-Ebert-Foundation, Friedrich-Naumann-Foundation, Hanns-Seidel-Foundation, Konrad-Adenauer-Foundation, Rosa-Luxemburg-Foundation.

 850.000 liều vắc xin AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX là một phần trong tổng số 3,45 triệu liều mà Đức hỗ trợ cho Việt Nam vào tháng 9. – Ảnh của Đại sứ quán Đức

Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam và Đức chia sẻ nhiều lợi ích chung. Cả hai đều ủng hộ chủ nghĩa đa phương, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Cả hai đều là những người khởi xướng Nhóm Bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), được thành lập tại New York vào tháng 7/2021 và hiện có hơn 100 quốc gia thành viên.

Quan hệ giữa Đức và Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời kỳ đại dịch. Song, cũng có những lĩnh vực đã phải chịu áp lực, ví dụ như các hoạt động văn hóa, đặc biệt là các cuộc tiếp xúc giữa các cá nhân, do việc đi lại và gặp gỡ cá nhân không thể diễn ra. Nhiều người bạn Đức của Việt Nam rất mong chờ những cuộc gặp gỡ như vậy có thể lại sớm được diễn ra.

Nguồn: Dịch tin của Vietnam News

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *