Nón lá Huế – Gìn giữ bản sắc truyền thống trong thời kỳ hội nhập

Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nón lá Huế, Thừa Thiên Huế đã và đang tìm kiếm và triển khai nhiều giải pháp mang tính sáng tạo để phát triển thương hiệu cho làng nghề trong thời kỳ hội nhập, nhưng vẫn bảo tồn được nghề làm nón thủ công, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, gắn kết với nhiều hoạt động đa dạng theo thị hiếu tiêu dùng và thương mại hóa sản phẩm.

Nón lá Huế – biểu trưng cho vẻ đẹp của người con gái xứ Huế (Ảnh minh họa)

Nón lá Huế – một sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, phản ánh sinh động dòng chảy lịch sử lâu đời của vùng đất cố đô. Nón lá từ lâu đã ghi dấu ấn đậm sâu trong thơ ca, văn học nghệ thuật  và cả trong nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng của người con gái Huế với nét đặc trưng riêng so với những chiếc nón của một số địa phương khác.

Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nón lá Huế hội nhập thời đại, ngày 15/10/2022 vừa qua, Hội nón lá Huế đã tổ chức thành công Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nón lá Huế” với sự tài trợ của Viện Friedrich Naumann Foundation For Freedom Cộng Hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (FNF Việt Nam). Hội thảo có ý nghĩa trong việc gìn giữ, tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống, duy trì hình ảnh nón lá Huế được tồn tại và phát triển một cách phù hợp với nhịp thở hiện đại trong thời kỳ hội nhập. Qua đó góp phần thúc đẩy bảo tồn các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam với bạn bè trong và ngoài nước.

Hội thảo được đón tiếp TS. Phạm Hùng Tiến – Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết – Nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Lê Thị Thủy Nguyên – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu Phát triển du lịch cộng đồng và Thiết kế thời trang.  Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, có ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch; ông Trần Đình Hằng – Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế và các ông bà đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quan, các nhà sản xuất, kinh doanh nón lá trên địa bàn.

Từ thực trạng…

Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa… Ngày nay, các làng nghề nổi tiếng như Tây Hồ thuộc xã Phú Hồ; Mỹ Lam xã Phú Mỹ; Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ, thành phố Huế cho ra thị trường hàng trăm nghìn, hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế.

Với thực tiễn có thể thấy, nghề làm nón lá tuy không thịnh vượng như xưa, nhưng vẫn còn đó những làng nghề, những người nghệ nhân tài hoa âm thầm gắn bó với nghề làm nón. Trải qua hàng trăm năm tuổi, làng nghề nón lá vẫn bền bỉ tồn tại là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những con người bình dị. Họ – những người phụ nữ dẫu đã đi qua bao thăng trầm của lịch sử, vẫn luôn đau đáu tình yêu nghề và khát vọng truyền nối để gìn giữ hồn cốt quê hương nón lá Huế.

Nghệ nhân làm nón chăm chút từng đường kim mũi chỉ

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các nghệ nhân làm nón lá Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo, sáng tạo về mẫu mã và màu sắc. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản…Những chiếc nón vốn đã đẹp, nay còn được gửi gắm lên những lời hay ý đẹp, những câu thơ trữ tình, những cảnh sắc thiên nhiên, danh lam thắng cảnh xứ Huế làm tăng thêm tính nghệ thuật cho nón lá Huế. Có lẽ vì thế mà nón lá Huế rất được nhiều du khách ưu chuộng, trở thành một trong những món quà lưu niệm không thể thiếu của du khách khi đến Huế.

Hiện nay, do xu thế thành thị hoá nông thôn, nhu cầu sử dụng và thị hiếu tiêu dùng trong xã hội có biến đổi, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy, các sản phẩm mũ nón thời trang bằng các loại chất liệu mới đã thay thế nhu cầu sử dụng nón của người dân trong nước. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường hiện nay, lớp trẻ giờ đây không còn mặn mà theo đuổi nghề truyền thống, hầu như chỉ còn những người trung niên, đứng tuổi là cố gắng giữ lại nghề cha ông để lại. Trong sinh hoạt hàng ngày, nón lá không còn được sử dụng thường xuyên nhưng nón lá lại xuất hiện nhiều trong các hoạt động thời trang, trang trí, tuy vậy sản lượng nón lá hàng năm vẫn giảm sút mạnh. “Thị trường tiêu thụ nón lá đang bị mai một và mất dần do có sự cạnh tranh các loại nón lá khác của các tỉnh bạn như: nón Quảng Bình, nón Bình Định… Điều này dẫn đến thách thức cho nghề chằm nón lá ở Huế và những người cung cấp, người bán nón đang đứng trước những khó khăn về nguồn cung cầu, thu nhập thấp và không ổn định”, đại diện Ban Quản lý chợ Đông Ba cho biết.

…đến giải pháp

Với hình ảnh người con gái Huế tà áo dài tím và chiếc nón lá bài thơ đã đi vào tâm trí của mỗi người dân xứ Huế và du khách khi một lần đặt chân đến Huế. Qua đó có thể khẳng định và tự hào rằng, nón lá Huế là một trong những sản phẩm đặc sắc của các làng nghề truyền thống ở Huế. Vì thế thời gian qua, các cấp, ngành chức năng, đoàn thể ở Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn và khôi phục, phát triển nghề truyền thống nói chung và nghề nón truyền thống nói riêng.

Nâng tầm thương hiệu nón lá Huế

Với những giá trị truyền thống, văn hóa, nón lá là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2010. Hội nón lá Huế được giao quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm nón lá Huế, với vùng chỉ dẫn địa lý nón lá Huế (vùng nguyên liệu lá nón, vành nón, sơ chế nguyên liệu lá nón, vùng sản xuất khung chằm,..).

Việc xác lập quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nón lá Huế là bước khởi đầu quan trọng cho việc phát triển giá trị thương hiệu nón lá Huế, qua đó giúp nghề chằm nón có thu nhập, việc làm ổn định thu nhập. Để tiếp tục phát triển chỉ dẫn địa lý nón lá Huế thành tài sản có giá trị lớn hơn nữa cần phải có thời gian để triển khai các biện pháp nhằm quản lý chất lượng sản phẩm,… kết hợp với hoạt động quảng bá thường xuyên, lâu dài và sự quan tâm của các cấp, các ngành và của cả tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

“Việc tiến hành hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá tỉnh Thừa Thiên Huế là một việc làm cần thiết. Kết quả đạt được không chỉ là một sự chứng thực về một sản phẩm có chất lượng mà còn mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế – xã hội cho một ngành nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế và sẽ là tiền đề ứng dụng mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cùng loại và tương tự. Việc quản lý và vận hành chỉ dẫn địa lý “Huế” sẽ là sự khẳng định thành công của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề chằm nón, tạo thêm việc làm cho bà con nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế”, bà Trần Thị Thùy Yên – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết.

Nón lá sen Huế

Để tiếp tục tăng cường việc quản lý, khai thác giá trị chỉ dẫn địa lí nón lá Huế có hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 1711/QĐ-UBND ngày 14/7/2020 Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng, làm căn cứ để xây dựng và ban hành các văn bản khác để quản lý chỉ dẫn địa lí.

Việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí “Huế” cho sản phẩm nón lá có ý nghĩa lớn về kinh tế – xã hội, nhưng việc phát triển chỉ dẫn địa lí lại không phải là một vấn đề đơn giản, nó đòi hỏi sự nỗ lực và đầu tư lớn về trí tuệ, công sức và thời gian cũng như sự tham gia phối hợp của nhiều chủ thể. Phát triển chỉ dẫn địa lí không chỉ đồng nghĩa với việc xác định và công nhận danh tiếng, tính đặc thù, bí quyết truyền thống, sự ổn định về chất lượng sản phẩm…mà còn với việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát, xác nhận chất lượng để đảm bảo duy trì chất lượng, uy tín và danh tiếng vốn có của sản phẩm.

Nón lá Huế gắn với chỉ dẫn địa lý là điều hết sức cần thiết nhằm nâng tầm nón lá Huế với thương hiệu được công nhận. Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, khẳng định thương hiệu, phát triển thương hiệu nón lá Huế.  Vận động tuyên truyền hộ gia đình, các tiểu thương gắn tem, dán nhãn để thương hiệu Nón lá Huế đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Hơn nữa, đây chính là khởi đầu và làm cơ sở cho việc phát triển thương hiệu của các ngành nghề truyền thống của tỉnh.

Gắn kết du lịch với nghề làm nón lá Huế

“Mục tiêu trong những năm qua mà tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình khôi phục và phát triển nghề và làng nghề truyền thống ở Huế là phải gắn bó chặt chẽ với phát triển du lịch. Phát triển du lịch làng nghề sẽ tạo ra quá trình sản xuất tại chỗ thông qua việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch, tạo thêm việc làm cho bộ phận dân cư làng, xã, phường, hội. Bên cạnh đó, thông qua các đối tượng du khách, hình ảnh và sản phẩm của các làng nghề được giới thiệu trực tiếp, góp phần tạo ra cơ hội quảng bá sản phẩm và kết nối các thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp hay các hộ cá thể. Đối với làng nghề nón lá truyền thống, từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 03 nghề và làng nghề nón lá truyền thống: nghề nón lá Vân Thê, làng nghề nón lá Mỹ Lam và Thanh Tân”, ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Những năm gần đây, khi du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá cũng trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc được du khách ưa chuộng, trở thành một hình ảnh thường xuyên gắn với các hoạt động của ngành du lịch. Thông qua chương trình du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề, các chương trình tham quan di tích và đường phố Huế với xích lô, check in tuyến đi bộ ven bờ sông Hương, trên cầu Gỗ Lim hay cầu bán nguyệt trên sông Hương, và gần đây nhất là sản phẩm trải ngiệm ngắm cảnh cố đô trên xe buýt 2 tầng mui thoáng, những chiếc nón lá Huế đã được đưa vào giới thiệu rộng rãi cho du khách trong nước và quốc tế biết đến. Rất nhiều du khách đã về các làng làm nón ở Huế để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm.

Hiện nay, những làng nghề nón lá Vân Thê, Phú Cam và các cơ sở làm nón nghệ thuật trên địa bàn thành phố đã trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm trong các tour du lịch, tạo ấn tượng khó quên đối với du khách, nhất là khách quốc tế trong hành trình khám phá Huế. Qua 08 kỳ Festival nghề truyền thống Huế, sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề truyền thống Huế nói chung và nghề nón lá nói riêng đã đến với người tiêu dùng và khách du lịch với mẫu mã phong phú đa dạng với những nét văn hóa độc đáo, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam.

Ông Nuyễn Văn Phúc cho biết, trong thời gian tới, để duy trì được ngành nghề truyền thống, khai thác tốt thế mạnh, tiềm năng của du lịch làng nghề nói chung và nghề nón lá Huế nói riêng, để vẫn là những điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương cần gắn việc quảng hình ảnh nón lá Huế với quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, Áo dài Huế, Festival Huế, tiềm năng, triển vọng phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa dữ liệu về lịch sử hình thành, phát triển của nón lá Huế, về các vùng đất, làng nghề truyền thống làm nón Huế, về chuỗi sản phẩm nón lá Huế.

Đồng thời cần có sự đồng hành của các Sở, ban ngành, Hiệp hội, nhất là các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đồng hành và hỗ trợ với Hội Nón lá Huế và người làm nón trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Cần thiết phải tiến hành khảo sát đánh giá đúng thực trạng, từ đó triển khai từng bước đề án xây dựng mô hình làng nghề mang tính sáng tạo, nhưng vẫn bảo tồn được nghề làm nón thủ công, giữ gìn bản sắc văn hóa xứ Huế, gắn kết với nhiều hoạt động đa dạng theo thị hiếu tiêu dùng và dịch vụ thương mại, nhằm thu hút khách du lịch của các đơn vị du lịch lữ hành, nhà cung cấp Tour, tuyến cũng như khách du lịch cá nhân.

Rất nhiều du khách đã về các làng nghề làm nón lá ở Huế tham quan

Bên cạnh đó, cần quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống làm nón lá, khai thác không gian, cảnh quan văn hóa, hình thành các điểm tham quan, du lịch. Hình thành trung tâm trưng bày, thao diễn nghề làm nón lá gắn với Trung tâm trưng bày, trình diễn và may đo Áo dài Huế, tạo thành chuỗi sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, cần có các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích tiểu thủ công, xúc tiến thương mại, quảng bá, truyền thông từ nhiều góc độ, quan tâm đào tạo nghề, quan tâm tiếp thị và tìm kiếm đầu ra. Hiện nay, sản xuất và kinh doanh nón lá chỉ là những hộ nhỏ lẻ, để tăng sức mạnh về thị trường và tìm đầu ra, nên chăng cần tập hợp các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ thành các tổ hợp hoặc hợp tác xã, tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.

Việc liên kết để bảo tồn, phát huy và phát triển các sản phẩm văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế là chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thiết thực, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Đồng thời, góp phần triển khai thành công Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nguồn: skhcn.thuathienhue.gov.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *