Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – xây dựng một khu vực dựa trên luật lệ và tiêu chuẩn cao

Tại buổi thuyết trình, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực rộng lớn với các nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong ASEAN và ASEAN đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại khu vực. Việc đầu tư vào khu vực này sẽ mang lại những lợi ích to lớn liên quan đến an ninh, ổn định và thịnh vượng của Mỹ.

Ảnh: TV

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Mỹ công bố từ cuối năm 2017. Tại buổi thuyết trình, ông Walter Douglas đã phân tích kỹ lưỡng 3 trụ cột của chiến lược bao gồm kinh tế, an ninh và quản trị.

Điểm khác biệt về an ninh của chiến lược, theo ông Douglas, trong thời gian tới Mỹ sẽ tăng cường hiện diện hải quân ở khu vực này. Năm 2020, Mỹ dự kiến sẽ đưa 2/3 lực lượng hải quân ở các khu vực khác đến châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ sẽ đầu tư ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực, phục vụ các hoạt động cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và gìn giữ hòa bình. Việt Nam và Phillippines là hai quốc gia nhận được nhiều đầu tư này.

Đề cập tới trụ cột kinh tế, ông Douglas khẳng định, mục đích của Mỹ là huy động các doanh nghiệp tư nhân và các định chế tài chính đầu tư nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ảnh: TV

Ông Douglas cho biết các công ty Mỹ đang đầu tư vào khu vực một cách minh bạch, rõ ràng, mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nhận đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm dựa trên mô hình kinh tế thị trường tự do. Năm 2018, Mỹ rót hơn 1 ngàn tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đứng đầu thế giới về FDI vào khu vực. Hiện tại, FDI của Mỹ vào Việt Nam là khoảng 1,5 tỷ USD, Phillippines khoảng 6 tỷ USD, Thái Lan 15 tỷ USD, Singapore hơn 260 tỷ USD. Mục tiêu của Mỹ trong thời gian tới là tăng vốn FDI cho các các quốc gia trong khu vực, tập trung vào ba lĩnh vực là kinh tế số, năng lượng và hạ tầng.

Về trụ cột quản trị, ông Douglas đề cao tính minh bạch và hiệu quả của các khoản đầu tư, đặc biệt liên quan tới các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông nói rằng Mỹ khuyến khích đầu tư từ EU, Úc, Nhật, và cả Trung Quốc vào khu vực, nhưng cần dựa trên nguyên tắc minh bạch, để đảm bảo tiền đầu tư được chi tiêu hiệu quả. Ông cho rằng, mục tiêu của chiến lược Ấn độ – Thái Bình Dương là mong muốn xây dựng một khu vực dựa trên luật lệ và tiêu chuẩn cao.

Với Việt Nam, ông cho biết, các công ty Mỹ rất muốn đầu tư vào Việt Nam và họ đang trông đợi vào sự nhất quán về chính sách, môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi để khi đầu tư vào và rút vốn ra đều thuận lợi.

Ảnh: TV

Nguồn: http://vufo.org.vn/Chien-luoc-An-Do-Duong–Thai-Binh-Duong—xay-dung-mot-khu-vuc-dua-tren-luat-le-va-tieu-chuan-cao-14-4263.html?lang=vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *