Chiều ngày 29 tháng 4 năm 2025, tại Hội trường UBND xã Phong Chương, thị xã Phong Điền, thành phố Huế, Ban Quản lý dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo thu nhập bền vững dựa vào hệ sinh thái tại xã Phong Chương” đã tổ chức sau 3 năm triển khai (2022–2025).
Quang cảnh lễ tổng kết tại Hội trường UBND xã Phong Chương, với sự tham dự đông đủ của các bên liên quan.
Buổi lễ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo huyện Phong Điền, chính quyền xã Phong Chương, các tổ chức tài trợ, các đơn vị kỹ thuật, cùng đông đảo người dân là các hộ hưởng lợi từ dự án.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc ban Quản lý dự án phát biểu mở đầu tại hội nghị
Mở đầu buổi lễ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát biểu khai mạc, bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các bên đã đồng hành trong suốt quá trình triển khai. Trong bài phát biểu, ông Huỳnh Tiến Đạt nhấn mạnh: “Dự án không chỉ đơn thuần là những hoạt động kỹ thuật hay hỗ trợ ngắn hạn, mà quan trọng hơn cả là quá trình khơi dậy tinh thần chủ động, sự gắn kết và nội lực của cộng đồng. Qua từng bước triển khai, chúng tôi nhận thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động và cách người dân nhìn về tương lai của chính mình. Đây chính là giá trị cốt lõi mà dự án hướng đến – xây dựng nền tảng vững chắc để cộng đồng có thể thích ứng, phát triển và tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả, ngay cả sau khi dự án kết thúc”
Tại buổi lễ, Ban Quản lý Dự án đã trình bày báo cáo tổng kết, khái quát những kết quả nổi bật đã đạt được trong suốt quá trình triển khai, đặc biệt trong các lĩnh vực: nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển mô hình sinh kế bền vững, khôi phục hệ sinh thái và tăng cường năng lực cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Hoạt động trồng rừng tại thôn Lương Mai, xã Phong Chương
Các hoạt động truyền thông môi trường và lớp tập huấn nâng cao năng lực đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng và trường học.
Trong suốt quá trình triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực và có sức lan tỏa tại cộng đồng địa phương. Hoạt động trồng rừng đã được thực hiện thành công trên diện tích 45 ha đất cát hoang hóa, với tỷ lệ sống của cây trồng ước đạt từ 25–30%, góp phần phục hồi hệ sinh thái bản địa và cải thiện môi trường lâu dài.
Công tác tuyên truyền tại trường học cũng mang lại hiệu ứng rõ rệt khi khoảng 95–100% học sinh tham gia đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh và phân loại rác thải ngay tại khuôn viên nhà trường. Song song với đó, các khóa tập huấn cộng đồng về môi trường và nông nghiệp bền vững đã giúp 80% hộ dân bước đầu hình thành thói quen phân loại và xử lý rác đúng quy định.
Trong lĩnh vực lập kế hoạch thích ứng, dự án đã hỗ trợ 9 thôn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu theo hướng tiếp cận dựa vào hệ sinh thái (EbA), góp phần nâng cao khả năng chủ động và tự ứng phó với rủi ro thiên tai của người dân.
Về hạ tầng, dự án đã triển khai lắp đặt 2 km hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời dọc tuyến đường trung tâm xã, góp phần cải thiện cảnh quan, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt vào ban đêm.
Các mô hình sinh kế cũng ghi nhận kết quả tích cực. Mô hình trồng mướp đắng trái vụ giúp nâng năng suất từ 156 lên 390 kg/sào/vụ, mang lại thu nhập từ 4–6 triệu đồng/sào/vụ và tạo việc làm cho người dân địa phương. Mô hình trồng tràm cho năng suất ổn định từ 8–10 tấn/ha/năm, với mức thu nhập trung bình khoảng 20–24 triệu đồng/hộ/năm.
Bên cạnh đó, dự án tổ chức 4 lớp tập huấn tài chính với 80 học viên tham gia; kết quả cho thấy có đến 85% học viên hiểu rõ nội dung đào tạo, vượt chỉ tiêu ban đầu đề ra. Đây là nền tảng để người dân tăng cường kỹ năng tiết kiệm và quản lý tài chính hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
Đáng chú ý, chương trình vốn tín dụng khởi nghiệp đã hỗ trợ 9 ý tưởng sản xuất – kinh doanh, trong đó 5 mô hình đã có sản phẩm tiếp cận thị trường. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế hộ gia đình và vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân nông thôn.
Đại diện lãnh đạo xã, ông Nguyễn Minh Cần chia sẻ cảm nghĩ và đánh giá cao tác động của dự án; các sản phẩm khởi nghiệp
Đại diện các hộ hưởng lợi và chính quyền địa phương đã có những chia sẻ xúc động về những chuyển biến tích cực trong đời sống, sinh kế và tinh thần chủ động của người dân. Đại diện nhà tài trợ đánh giá cao nỗ lực của các bên và bày tỏ mong muốn tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong các chương trình phát triển bền vững sắp tới.
Buổi lễ khép lại trong không khí trang trọng và đầy ý nghĩa, là dịp để tri ân sự đồng hành của người dân, chính quyền địa phương và các tổ chức đối tác trong suốt quá trình triển khai. Đồng thời, đây cũng là bước đệm cho các sáng kiến mới vì môi trường và sinh kế cộng đồng trong tương lai.
Ảnh lưu niệm đánh dấu thành công của dự án và sự gắn kết giữa các bên tham gia.
Quang Giàu.