Từ ngày 24 – 26/7, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức chuyến thăm quan, học tâp tại các làng nghề cỏ bàng tỉnh Long An cho 6 người dân làng nghề và 2 cán bộ quản lý xã Phong Bình, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn tham dự chuyến đi học tập kinh nghiệm bao gồm sáu thợ thủ công dày dặn kinh nghiệm và hai cán bộ quản lý cấp cao của xã Phong Bình.(Ảnh:NPA)
Thông qua chuyến đi, đoàn đã có cơ hội thăm xưởng sản xuất, vùng nguyên liệu của các làng nghề cỏ bàng tại huyện Đức Hòa và Cần Đước, tỉnh Long An. Các bên đã trao đổi cởi mở về những thách thức và thành công trong mô hình hoạt động và nâng cao chuyên môn trong sản xuất các sản phẩm từ cỏ bàng.
Ông Bùi Thành Được, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh, một cơ sở sản xuất Cỏ Bàng nổi tiếng tại Long An giới thiệu với đoàn về các sản phẩm được ưa chuộng của công ty (Ảnh: NPA)
Thông qua những trao đổi và thảo luận, đại diện làng nghề đệm bàng Phò Trạch, xã Phong Bình tiếp thu những hiểu biết quý giá về việc lựa chọn giống cỏ bàng cho năng suất cao nhất, tinh chỉnh quy trình chăm sóc cỏ và sấy khô, cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm cỏ bàng.
Đoàn thăm quan quy trình sử dụng hệ thống máy móc nhằm gia tăng năng suất và chất lượng ống hút Cỏ Bàng.(Ảnh: NPA)
Bên cạnh đó, chuyến đi đã thúc đẩy sự kết nối giữa đại diện làng thủ công xã Phong Bình và các làng nghề cỏ bàng tại Long An, tạo nền tảng cho các sáng kiến hợp tác và phát triển sản phẩm trong tương lai.
Đoàn thăm quan máy ép Cỏ Bàng được chế tạo bởi người dân tỉnh Long An. (Ảnh: NPA)
Thợ thủ công tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long Anh chia sẻ cách cắt Cỏ Bàng bằng máy để bảo toàn nguyên vẹn chất lượng cỏ bàng cho sản xuất. (Ảnh: NPA)
Một giống Cỏ Bàng mới đã được chuyển giao nhằm trồng thử nghiệm tại xã Phong Bình.(Ảnh: NPA)
Chuyến đi nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu số lượng và tác động của rác thải nhựa tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do tổ chức NPA tài trợ thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, phát triển sản phẩm, kinh doanh và đào tạo chuyên sâu, nhằm tăng cường năng lực sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm đan lát truyền thống từ Cỏ Bàng. Ngoài việc thúc đẩy nghề đan cỏ truyền thống của địa phương, dự án còn hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường thông qua việc thúc đẩy hành vi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường làm từ cỏ bàng thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong khuôn khổ sáng kiến, dự án sẽ tiến hành thử nghiệm để đánh giá tính khả thi của việc sử dụng bao cát Cỏ Bàng, như một giải pháp thay thế cho bao cát ni lông mà tổ chức NPA đang sử dụng trong các hoạt động hủy nổ các vật liệu rà phá được tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tổng hợp từ NPA