Ngày 13/6/2023 tại xã Phong Bình, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thừa Thiên Huế (HueFO) đã phối hợp với UBND xã Phong Bình và tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức hội nghị triển khai dự án “Giảm thiểu số lượng và tác động của rác thải nhựa tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: NPA)
Tham dự Hội nghị có bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, Quản lý chương trình cấp tỉnh của tổ chức NPA; bà Trần Thị Mai – Chủ tịch HueFO; ông Nguyễn Hồng Nhật – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Phong Điền, ông Trần Văn Huy – Chủ tịch UBND xã Phong Bình, đại diện các phòng, ban, ngành cấp huyện, các tổ chức đoàn thể của xã, và gần 50 thành viên Tổ hợp tác phát triển Làng nghề truyền thống Đệm Bàng Phò Trạch.
Trần Thị Mai – Chủ tịch HueFO phát biểu tại hội nghị (Ảnh: NPA)
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, bà Trần Thị Mai – Chủ tịch HueFO cho biết rác thải nhựa đang trở thành bài toán môi trường của toàn cầu và Việt Nam chúng ta được xác định là một trong năm quốc gia gây ô nhiễm đại dương hàng đầu trên thế giới. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều mô hình, ý tưởng, dự án đã và đang được triển khai nhằm giảm thiểu, xử lý và quản lý tốt hơn vấn đề rác thải nhựa. Tuy nhiên, các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa một lần đang còn hạn chế về số lượng, thiếu đa đạng về mẫu mã, giá thành cao,… gây khó khăn cho việc thay đổi nhận thức và hành vi của người dân giảm sử dụng đồ nhựa trong cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với UBND xã Phong Bình xây dựng và vận động tổ chức Viện trợ Nhân dân Na-Uy (NPA) tài trợ dự án “Giảm thiểu số lượng và tác động của rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Dự án được thực hiện nhằm hỗ trợ nhân dân xã Phong Bình bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đan lát cỏ bàng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc thúc đẩy hành vi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường làm từ cỏ bàng thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tổng ngân sách dự án là 1.131.169.792 đồng (tương đương 488.672 Krone Na Uy) do tổ chức NPA tài trợ hoàn toàn.
Thông qua hội nghị triển khai, ông Bùi Doãn Bách – Cán bộ tư vấn môi trường tổ chức NPA– Điều phối viên dự án đã trình bày tổng quan về các hoạt động của dự án, kết quả mong đợi và một số kế hoạch sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Huy – Chủ tịch UBND xã Phong Bình phát biểu tại hội nghị (Ảnh:NPA)
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Huy đại diện lãnh đạo UBND xã Phong Bình đã trao đổi thêm một số thông tin về các hoạt động của dự án. Bên cạnh đó, ông đánh giá cao những nỗ lực cũng như bày tỏ lòng biết ơn đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và tổ chức NPA đã xây dựng và tài trợ một dự án rất thiết thực tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hiền, thợ thủ công đan lát lâu năm của làng Phò Trạch chia sẻ ý tưởng và đề xuất với dự án
Hội nghị cũng tiếp nhận ý kiến từ các đại diện của người dân tại xã Phong Bình để hoàn thiện hơn công tác chuẩn bị và triển khai các kế hoạch. Bà Nguyễn Thị Hiền, một thành viên của Tổ hợp tác phát triển Làng nghề truyền thống Đệm Bàng Phò Trạch chia sẻ “Tôi rất vui khi dự án có hoạt động thử nghiệm làm bao cát từ cỏ bàng. Từ xưa đến nay, sau khi làm các sản phầm thời trang chất lượng cao, một khối lượng lớn cây cỏ bàng chất lượng thấp chưa có biện pháp xử lý. Tôi mong muốn tận dụng được hết những cây cỏ bàng này để làm túi đựng cát, góp phần giảm thiểu rác thải ni lông vào môi trường và tăng thu nhập cho bà con”.
Toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị trồng cây kỉ niệm tại UBND xã Phong Bình (Ảnh: NPA)
Dự án “Giảm thiểu số lượng và tác động của rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” sẽ hỗ trợ máy ép cỏ, thiết bị bảo hộ, phát triển sản phẩm, kinh doanh và đào tạo chuyên sâu, nhằm tăng cường năng lực sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm đan lát truyền thống từ Cỏ Bàng. Ngoài việc thúc đẩy nghề đan cỏ truyền thống của địa phương, dự án còn hướng tới mục tiêu giảm lượng rác thải nhựa của tổ chức NPA. Trong khuôn khổ sáng kiến, dự án sẽ tiến hành thử nghiệm để đánh giá tính khả thi của việc sử dụng bao cát Cỏ Bàng, như một giải pháp thay thế cho bao cát ni lông mà tổ chức NPA đang sử dụng trong các hoạt động hủy nổ các vật liệu rà phá được tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mỹ Hà