HUEFO VÀ NPA NỖ LỰC TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT HẬU RÀ PHÁ BOM MÌN, VẬT NỔ

Trong những năm qua, một diện tích khá lớn đất cát tại thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điện bị bỏ hoang, không thể sử dụng do người dân gặp nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp trên khu vực đất cát này. Những vùng đất hoang hóa gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với người dân trong vùng qua các hiện tượng như tăng nhiệt độ và giảm độ ẩm vào mùa hè, cát bay, cát nhảy xâm thực vào đất ở và canh tác của người dân. Mặc dù chính quyền và nhân dân địa phương đã nhiều lần thử nghiệm trồng nhiều loại cây khác nhau tại đây nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực nhưng chưa có loại cây nào phát triển thích hợp trên môi trường đất cát. Ngoài các yếu tố về môi trường và tự nhiên, việc thiếu một cơ sở dữ liệu về thổ nhưỡng cũng tác động đến công tác lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của khu vực này.

Vùng đất cát thôn Lương Mai (Ảnh:IREN)

Bên cạnh đó, 210 bom chùm và 61 vật nổ khác đã được HueFO và NPA phát hiện và xử lý tại thôn Lương Mai từ tháng 01/2018 đến 01/2019. Con số này mang lại một giả thiết đất ở đây có thể bị ô nhiễm bởi các chất độc hại như chì, asen, đồng từ các vật liệu chưa nổ do quá trình oxi hóa diễn ra trong một thời gian dài. Điều này có thể tác động trực tiếp đến người dân qua đường nước, làm suy giảm chất lượng và thành phần của đất và nghiêm trọng hơn là các hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của con người.

Vì vậy, tháng 9/2021, HueFO đã phối hợp với tổ chức NPA triển khai chương trình “Tăng cường hiệu quả sử dụng đất sau rà phá thông qua phân tích môi trường đất tại thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền” nhằm xác định tính chất thổ nhưỡng và mức độ ô nhiễm do các vật liệu chưa nổ giúp người dân có phương án sử dụng đất an toàn và hiệu quả. Đây cũng là hoạt động thí điểm để làm tiền đề xây dựng các dự án quy mô lớn và dài hơi hơn trong thời gian tới.

Vị trí các điểm lấy mẫu tại khu vực trước đây từng bị ô nhiễm bom mìn (Ảnh: IREN/NPA)

Dự án tiến hành lấy mẫu trên 22 ha đất nông nghiệp đã được rà phá bom mìn tại thôn Lương Mai; tiếp đó phân tích và lập báo cáo về thổ nhưỡng và các chất độc hại tiềm ẩn như kim loại nặng trên vùng đất đã được làm sạch bom mìn tại thôn Lương Mai.

Nhân viên NPA và IREN đang tiến hành lấy mẫu đất tại thôn Lương Mai (Ảnh: HueFO)

Báo cáo chỉ ra rằng có phát hiện được hàm lượng Chì (Pb) và Kẽm (Zn) trong tất cả các mẫu đất tại khu vực nghiên cứu, tuy nhiên chỉ số của các kim loại nặng này hầu hết đều nằm thấp hơn giới hạn cho phép về hàm lượng kim loại nặng trong đất nông nghiệp theo Quy Chuẩn QCVN 03-MT:2015/BTNMT. Như vậy, khu vực nghiên cứu vẫn khả thi cho phép phát triển các loại hình nông nghiệp.

Qua kết quả phân tích kết cấu đất và chất lượng đất, có thể khẳng định, đất tại khu vực nghiên cứu là đất cát rất nghèo chất dinh dưỡng. Với đặc điểm hàm lượng chất hữu cơ trong đất và chỉ số thể hiện khả năng trao đổi chất của đất thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển của thực vật. Bên cạnh đó, đất có tính Acid (với chỉ số pH trung bình đo được là 5.5) sẽ gây ức chế khả năng hấp thu chất dinh dưỡng từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của thực vật, cần có các giải pháp để hỗ trợ nâng cao độ pH (xin xem bảng dưới).

Sau khi có kết quả phân tích đất, ngày 28/4/2022, HueFO đã phối hợp với tổ chức NPA và IREN tiến hành chia sẻ thông tin cho các hộ dân trong thôn và các bên liên quan về kết quả phân tích đất. Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả phân tích đất và nhu cầu của người dân, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra một số khuyến nghị cho người dân về việc canh tác trên đất một cách an toàn và hiệu quả.

Buổi chia sẻ thông tin về kết quả khảo sát mẫu đất (Ảnh: HueFO)

Đối với cây trồng, các nhà khoa học của IREN khuyến nghị địa phương cần lựa chọn các loài cây phù hợp với điều kiện có độ pH thấp. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra danh sách các loại cây trồng có độ pH phù hợp với thổ nhưỡng của khu vực khảo sát như nhóm cây trồng hằng năm gồm Bắp (ngô), họ bầu bí, dưa hấu, khoai tây, khoai lang, mía, đậu phộng (lạc), đậu tương, rau gia vị… và nhóm cây trồng lâu năm gồm trà, tiêu, thuốc lá, thanh long, chè, quýt. Ngoài ra, để giảm thiểu bớt sự rửa trôi và suy thoái chất dinh dưỡng trong đất, người dân được khuyến khị trồng các loại cây bản địa như tràm gió, sở, táu…, đây là các loại cây cấu thành rừng của khu vực khảo sát. Bên cạnh đó, Cây tràm gió (Melaleuca cajupiti) còn là một loại cây có giá trị kinh tế khi được khai thác để chế biến thành tinh dầu tràm.

Do đất khu vực này là đất cát, kết cấu rời rạc, hàm lượng mùn thấp và độ pH thấp, các nhà nghiên cứu cũng đã đề xuất một số phương án kỹ thuật để cải tạo tính chất vật lý (tơi xốp, thoáng khí), cải tạo tính chất hóa học – đất phèn chua và cải tạo tính chất sinh học của đất trước khi trồng cây để đạt hiệu quả cao./.

                                                                                                         Mỹ Hà

Để lại một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *